Tri ân

Lời chào viết vội

Gửi gái yêu của chị,

Chị không nhớ chút nào về chuyện em chuẩn bị đi, nên mấy dòng này gõ vội, hy vọng trước khi em ngủ có thể gửi cho em, vì em đi, quà cũng thể không có, người cũng không thể đến, lời cũng không thể nói một câu tiễn em đi.

Tâm trạng chị thực sự tồi tệ vì đã không gặp được em trước ngày em đi, cũng không phải là đi mãi không về, nhưng chỉ cần nghĩ đứa em gái nhỏ của mình lơ ngơ sang xứ người đến một cái ôm trước khi đi cũng không có, sau này lấy dũng khí ở đâu mà tiếp tục lăn lộn sống nơi tha hương?

Nhưng nghĩ lại thì, mọi thứ sẽ ổn cả thôi, vì chị biết em là em gái của chị mà, giống chị, kiên cường, không dễ gì gục ngã.

Thực sự chị rất ghen tỵ với em, vì ước mơ của bất cứ đứa học ngoại ngữ nào cũng là được đi nước ngoài. Em đi rồi, chị vẫn còn ở. Chị nghĩ là em giỏi hơn chị, vì ước mơ của chị vẫn còn chưa hoàn thành được.

Sẽ là cả một cuộc sống mới đang chờ em. Nhớ thật rõ rằng chị dặn là em bằng giá nào cũng không được ốm. Vì ốm lúc xa nhà là lúc em thấy tồi tệ nhất, em sẽ hối hận vì đã đi thật xa, sẽ tủi thân và cô đơn cùng cực. Sẽ không có ai như mẹ lo cho em, người ta chẳng quản em ăn gì chưa, uống thuốc chưa đâu, vì vốn dĩ họ cũng chẳng có trách nhiệm gì để phải làm thế. Thế nên phải thật mạnh mẽ, chỉ dựa vào ý chí của duy nhất bản thân mình thôi. Còn lại thì em có thể buồn, có thể thất vọng, có thể nhớ nhà, nhớ mẹ đến phát khóc, có thể khủng hoảng, có thể stress, vì tất cả chúng ta cần phải như thế để lớn lên, không một ai ngoại lệ, không sao, rồi mọi thứ sẽ ổn.

Sang bên đấy, việc đầu tiên là phải đi mua thuốc. Thuốc cảm, đau đầu, thuốc hạ sốt, thuốc ngứa, nước muối, oxy già, băng cá nhân, bông. Luôn phải có sẵn trong người, đừng chủ quan bảo bao giờ ốm thì mua, lúc đấy không dậy được đâu, nhờ người khác rất phiền.

Thế giới này rất rộng lớn, đã có cơ hội bước chân đi hãy tận hưởng nó nhé. Tìm lấy một người em yêu, ai cũng được, nhưng nhớ là yêu để vui vẻ hạnh phúc, yêu không phải để muộn phiền Nhớ sống cho một tuổi thanh xuân của mình, thực sự xanh – như bầu trời, như mặt biển, không có bất kỳ một giới hạn nào, và thực sự xuân – đầy sức sống, lòng nhiệt thành, mới mẻ, điên rồ chút càng tốt.

Cũng nhớ đối tốt với mọi người. Không nhất thiết phải mong chờ điều tương tự từ họ. Vì đó là giá trị của con người mình, những người khác có hay không mình không quản được. Cũng không cần phải quá nhiệt tình, đủ tốt để chung sống là được.

Cũng phải cảnh giác, làm gì cũng phải tính đến đường lùi cho mình. Đừng quá tin ai. Trừ bố mẹ mình ra thì chẳng có ai thực sự vì mình mà hy sinh điều gì cả (Câu này quen lắm. nói tỷ lần rồi, trên mạng cũng phải đến tỷ bài post về vấn đề này rồi, nhưng chưa tự trải qua thì chưa hiểu đâu).

Đi làm thêm nhớ phải chọn công việc kỹ lưỡng. Đừng bán thời gian và công sức của mình quá rẻ mạt. Đấy là mình đang tự coi thường mình. Bản thân mình còn không tự tôn trọng thì không thể mong ai tôn trọng được.

Chuyện học chắc chị không phải dặn, cứ làm tốt như em vẫn từng làm. Mà khó quá thì bỏ. Điểm số cũng không phải là tất cả,  không như mong muốn thì cứ buồn, để còn cố gắng, nhưng buồn ít thôi vì vốn dĩ nó không đáng đến thế đâu.

Những năm tháng ở bên ấy sẽ làm em thay đổi, chị biết chắc, vì chị lớn hơn em mà cái gì chị cũng biết trước em hết ấy, thế nên chị viết ở đây, nhớ mãi em Thư 18 tuổi yêu thương của chị.

Định đính kèm cái ảnh mà chợt nghĩ ra là 2 chị em mình còn chẳng có lấy một cái ảnh chụp chung gần đây nhất cơ. Buồn hơi nhiều.

 

Chị.

Uncategorized

Những tháng năm vội vã

Mỗi khi lên đến cao trào của cảm xúc, tôi đều muốn viết. Tôi không phải là học sinh chuyên Văn, không viết hay đến thế, nhưng tôi thích viết, tôi thích trải dàn cảm xúc của mình dưới dạng con chữ và ngắm nhìn nó. Tình cờ, tôi lại luôn được điểm cao trong các bài kiểm tra Văn học trong những năm học phổ thông và được các cô giáo dạy văn vô cùng yêu quý, cũng tình cờ có cái lối viết hợp tai người đọc, thỉnh thoảng viết đôi ba dòng xàm xí xũng được các bạn khen, nên kể cả khi gõ những dòng chữ này hay vô số những bài tôi đã bỏ dở khác, tôi đều trăn trở rất nhiều và đặt áp lực lớn cho bản thân về việc phải viết thế nào cho cho xuất sắc, xứng đáng công viết và cũng xứng đáng thời gian người đọc bỏ ra, vì thế tôi cứ bỏ lỡ hết lần này đến lần khác mỗi khi cảm xúc làm nguồn cảm hứng cho tôi viết.

Cho đến khi tôi đọc được những dòng này của cô Nguyễn Phương Mai trong cuốn Con đường Hồi giáo: “Nhưng mà rồi tôi vẫn chọn cách viết, vì không còn gì khổ sở hơn là phải giữ khư khư một câu chuyện luôn cựa quậy đòi được ra đời. Nhất là những câu chuyện ấy dường như chỉ đợi giây phút mổ vỏ trứng chui ra là có thể ngay lập tức tự đứng lên…”. Thực ra khi cô Mai viết câu này, tôi chắc cô không có ý diễn đạt cái ý mà tôi định mượn câu này của cô để diễn đạt, nhưng tôi vẫn muốn mượn, vì tôi cũng có nhiều “câu chuyện cựa quậy đòi được ra đời” mỗi khi lên cao trào của cảm xúc, nhưng mà vì tôi lười viết, vì bận, vì ngại khó ngại khổ, vì không biết viết như thế nào cho thật hay và vì viết đến nửa chừng tự thấy chán rồi lại bỏ, vì đủ thứ. Nhưng tóm lại là cái việc viết vẫn bị trì hoãn đến hôm nay.

Bình thường tôi phải nghĩ ra đủ thứ dẫn dắt màu mè hoa hoét để vào câu chuyện, cho hay, cho độc. Nhưng thôi lần này tôi mệt lắm. Tôi sẽ viết trần trụi. Chẳng có ý tứ gì đâu. Nghĩ đến cái gì viết cái đấy, bao giờ đỡ rối hơn tôi sẽ sửa lại.

 

Cái thời tiết dở nóng dở lạnh, nửa ẩm nửa khô này làm cho tôi hay ở trong trạng thái tinh thần không ổn định. Thỉnh thoảng lại có những hình ảnh từ quá khứ dội lại, đột ngột và chớp nhoáng: là một vài nụ cười, đôi ba câu nói, của những người tôi đã thương, những người bạn hoặc một vài người quen, nó diễn ra không chọn thời điểm, có khi tôi đang trên giảng đường, cũng như khi vừa bước ra ngưỡng cửa nhà vệ sinh. Tôi không biết điều đó là dấu hiệu của cái gì, hay nó có ý nghĩa gì không, tôi chỉ muốn kể lại để đó. Bao giờ nghĩ ra một ý nghĩa hay ho, tôi sẽ sửa lại.

 

Tôi, chúng tôi, đều đang rất vội vã. Mỗi ngày đều chạy đua với deadline, mỗi ngày đều phải lo hoàn thành bài tập về nhà cho ngày mai, đến nối thứ bảy chủ nhật cũng chỉ dành để học bài cho cả tuần. Thì sinh viên mà, thế thì sinh viên quá rồi còn gì nữa. Bạn cùng giường (nhưng ở bên dưới) của tôi đang ngược xuôi làm thủ tục cho một bộ hồ sơ du học, một bạn nữa đang tập võ ở dưới sân bóng rổ, bạn còn lại thì hình như đã đi làm rồi. Thằng Bột giờ này chắc đang học Trung Quốc học tuần sau thi giữa kỳ, cô giáo thực tập Huyền thì chắc đang miệt mài bên trang giáo án, đến nỗi mấy hôm nay còn tắt cả máy, khóa cả facebook. Chúng tôi bước chân vào trường Đại học, đều ôm hoài bão rất lơn, vậy mà giờ mỗi người một việc, không biết đã đi lệch tâm bao nhiêu xa rồi.

Dạo này tôi hay xem phim điện ảnh của Trung Quốc, mục đích chính là để học tiếng, chứ tôi trước đây hùng hồn tuyên bố là không muốn dấn thân vào làm fan C-biz. K-biz là quá đủ. Một số những cái tên phim nổi tiếng, không thể không kể đến “Những tháng năm vội vã”, mà tôi mượn làm tựa bài viết này của tôi. Phim Trung Quốc về những năm tháng cuối cấp thời học sinh rất ý nghĩa, nếu còn là học sinh cấp 3 xem thì chắc hẳn sẽ thức tỉnh em ý, làm em ý trở nên trân trọng hiện tại hơn là oán trách những khó khăn, áp lực, bài vở chồng chất. Nhưng tôi đã là năm 3 Đại học rồi, tôi cũng vẫn thấy mình vội vã. Không nhàn nhã vô tư “thích học thì học, thích chơi thì chơi, không ai quản” như lời giang hồ đồn đại. Bài tập trên lớp, công việc làm thêm, các hoạt động xã hội, thực sự là không thể cân bằng được.Chắc chắc. Chỉ có thể chia đều thời gian mất cân bằng, nay chú tâm làm cái này, mai cái khác, chứ chắc chắn không thể cân bằng được. Chúng tôi đều ước một ngày hãy có 48h, để còn đủ thời gian cho những hoạt động trên và còn được nghỉ ngơi, ngồi hát nghêu ngao và xem phim nữa. Ngày nào tôi cũng ghi ra những việc cần làm mà chưa ngày nào tôi tích được hết các công việc đó. Nhiều lúc tôi cảm thấy rất bực mình vì tại sao mình lại đói, tại sao lại buồn vệ sinh? Những cái việc đó sinh ra làm mất rất nhiều thời gian của tôi mà đáng lẽ tôi dùng vào những thứ cần phải hoàn thành trước mắt. Thuyết trình nhóm, bài tập nhóm, báo cáo, tiểu luận, mô phỏng, điều trần, họp Đại hội Chi Đoàn, đại hội Hội sinh viên. Haizz. Tôi không biết những việc bây giờ tôi làm có giúp cho tương lai tôi tươi sáng hơn chút nào không, có dễ tìm việc, có tránh được thất nghiệp không. Mỗi ngày đều chỉ sợ cảm giác mình chợt nhớ ra gì đó chưa làm mà đã quá muộn để thực hiện. Giấy nhớ, sổ lịch trình và sổ tay hoạt động hết công suất.

Có lần Cậu về kể cho tôi rằng trong lớp cậu cũng có em học ở CVA Lạng Sơn, hỏi có biết chị Mai Thu không thì em ý bảo có, chị Mai Thu giỏi giỏi mà được các thầy cô rất quý đấy á. Tự bản thân tôi, cũng như Cậu, hay cũng như máy đứa trong lớp khi câu chuyện này đc kể lại, chúng nó, và cả tôi, đều có một dòng suy nghĩ chung là “Liệu có nhầm người không?” vì bây giờ tôi tàn tạ, tan hoang, tan nát và mọi tính từ cùng thuộc một trường từ vựng.  Tôi cũng không biết tại sao cuộc đời tôi lại xuống dốc không phanh như thế, thậm chí còn không rõ liệu cuộc sống bây giờ có phải là tệ hơn so với thời còn học phổ thông hay không nữa.

Tôi cũng muốn viết, muốn kể hết về việc tại sao bảng điểm của tôi lại không đẹp, GPA không cao, không đạt được thành tự gì nổi trội, vì tôi lười, tôi lầy, hoặc cũng có thể vì thầy cô chấm cảm tính khi 7 bài ôn từ cùng 1 nguồn đề cương mà mình tôi đc điểm C trong khi các bạn A,B, cũng có khi vì quá nhiều bài tập chồng chất và vô lý. Tôi chẳng biết so đi đâu, liệu nước ngoài có phải học vô lề vô lối như ở nơi tôi đang học hay không, thầy cô nào cũng cho phần việc mà tôi cảm tưởng nếu nó biết nói, nó sẽ hét vào mặt tôi là “mày chỉ được phép làm bài tập của môn này thôi, chỉ được chú ý vào một môn này thôi, mày mà học môn khác thì chết với tao, vì thế nên tao phải chiếm hết thời gian của mày” mà môn nào cũng thế, vì tôi cũng đã được đi nước ngoài đâu mà biết, cũng chẳng biết thầy cô cho thế có phải nhiều bài tập hay không, vì tôi không biết đúng những gì một tiêu chuẩn quy định sinh viên cần phải học bao nhiêu mới đủ. Thế là cứ cặm cụi âm thầm chấp nhận cõng theo bao nhiêu phần việc cần phải làm và dần dần mặc định đó là nghĩa vụ của mình. Tôi sẽ còn viết về cuộc chiến ở nơi giảng đường kỹ hơn nữa.

Sinh viên năm 3, chẳng có gì, tiền không, thời gian không, chỉ ngổn ngang là tơ vò suy nghĩ. Nếu suy nghĩ mà bán được, tôi đã tự mua được một hành tinh để sống rồi.

Góc tối

Khủng hoảng tuổi 20

Tuổi 20. Đẹp và cô đơn.

 

“Thế hệ chúng tôi là một thế hệ lạ lùng. Đứa trẻ nào cũng thấy mình cô độc. Đứa trẻ nào cũng thấy mình bất hạnh và thiếu thốn tình yêu hơn người khác. Đứa trẻ nào cũng bất mãn với thứ gia đình ban cho. Đứa trẻ nào cũng loay hoay không biết làm thế nào cho đỡ khổ. Đứa trẻ nào cũng tin tưởng vào những người dưng chưa bao giờ thấy mặt hơn là những khuôn mặt thân quen bên cạnh mình…

Rồi chúng tôi cũng không biết đi lối nào cho qua cái tuổi dở người thích thể hiện bản thân, không biết cách gục ngã thế nào chỉ để nghỉ ngơi mà không đau đớn, không biết phương hướng tương lai ở đâu ngay cả khi đã thi xong đại học. Những niềm tự hào cũ rích phủ lên thế hệ mình một đám rong rêu vô giá trị, đi lối nào cũng không thể thoát thân…”

Thức Dậy Trên Mái Nhà – Lê Ngọc Mẫn

20 tuổi. Bước 1 chân vào cuộc đời, nơi khác xa với cuộc sống 19 năm trước đây, dù không phải là chuyển đi đâu xa.
20 tuổi. Chẳng có gì. Không tiền, không tình cũng chẳng có thời gian. Tài sản nhiều nhất trong túi bây giờ là một nắm nghi ngờ.

Tất cả những người thân thiết hoá ra trở thành chưa bao giờ quen biết, nhìn nhau và cười ngượng ngùng, câu chuyện nhạt nhẽo, thiếu nhiều gia vị. Bạn bè thân thiết đến mấy, lâu gặp nhau cũng thành ngại, không biết nói gì, trong bụng thấp thỏm cứ phải luôn nghĩ ra đôi ba câu chuyện xàm làm quà. Gặp mặt nhau xong như được giải thoát.

Nghi ngờ bạn bè này có phải mình chơi đã lâu?

Tự dưng lời nói, có khi trước vẫn thế, nhưng giờ tự thấy nó lại mang hàm ý khác, thể hiện một bộ mặt khác của con người vài năm quen biết. Lúc lời nói buông từ miệng đó ra thì hẫng, tâm trạng xuống dốc cùng niềm tin.

Nghi ngờ người này liệu có phải mình hiểu đã nhiều?

Thay đổi nhiều nhất có lẽ là bản thân mình. Bỗng nhận ra mình cũng là một đứa 20 tuổi xàm và ngu ngơ. Cũng chỉ nghe nhạc thị trường, không rành quá nhiều về phim ảnh hay thời trang, lắm lúc cũng muốn có tí khí chất của riêng mình, lắm lúc lại thôi. Hay ghen tị với những bạn bè cùng trang lứa sành nhạc sành phim, hiểu biết nhiều về cuộc sống thật hơn klà sách vở lí thuyết, làm cái gì cũng toát lên cái dị riêng nhưng độc, đẹp và lạ. Vẫn mãi lạc trong câu hỏi “Màu sắc riêng của mình là gì?”. Chẳng biết nữa, đôi khi là màu vàng, vì nó chất, nhưng đôi lúc cũng là màu đen, vì nó buồn, hay phần nhiều khi là màu trắng, vì nó trống rỗng.

Nghi ngờ liệu có phải bản thân mình vẫn chính là người đã sống 19 năm qua?

Nhiều mối nghi ngờ, phản xạ tự nhiên là co vào thôi. Chưa có giai đoạn nào lại sợ người như cái tuổi ngày này. Sợ nhấc máy lên gọi điện thoại đi, sợ phải bấm nghe một cuộc gọi đến, sợ gặp người quen ở đâu đó sân ga, sợ một tiếng tinggg của boxchat nhảy lên, sợ phải trả lời một dòng bình luận, sợ phải gửi một lời chúc mừng sinh nhật. Vì nếu làm thì phải làm thật hay, thật đặc sắc để không hổ danh là MT. Nhưng MT thì cũng chỉ là con người thôi, và con người thì không phải lúc nào cũng hay.

“Tại sao một người luôn muốn ở một mình và không muốn ai bước vào thế giới nội tâm của bản thân như tôi lại thấy ghen tị với những người có friendzone rộng lớn?”
Tumblr missgemy

Kèm theo hội chứng sợ người là chán ghét lí thuyết và lời khuyên. Ghê tởm những lời chân ái khuyên răn phải “cố gắng lên” giữa tâm bão. Những câu bắt đầu bằng “cuộc đời, cuộc sống, chúng ta, người ta, mình” là đã thấy sặc mùi nhân văn rồi. Mà lúc này thì không cần thiết. Sợ việc giải thích và trình bày, không cần thiết quá thì đều bỏ đi hết. Ban đầu rõ là nghĩ nó quan trọng, cần phải nói ra ngay nhé, nhưng sau một đêm lại thành thôi chẳng có gì phải bận tâm hết đâu. Sống 24h cũng đã đủ mệt rồi lại còn đi trình bày với người khác.

Đã lo sợ làm sai, thì lúc nào cũng để ý đến lỗi sai của mình, nghĩ lại lúc nào cũng thấy xấu hổ không để đâu cho hết vì mình “bằng này tuổi” rồi còn sai, để rồi lại tiếp tục sai.

Nhìn vào gương thì đã thấy mình vốn dĩ đã là một nỗi buồn rồi, nhưng buồn đẹp, buồn lãng mạn hợp với một bản nhạc chậm và ma mị, thêm chút ghi-ta hoặc kèn harmonica cho bất hủ, nhưng vẫn cứ không phải là một niềm vui. Hay vạch ra những mốc sống nốt nay nốt mai thôi sẽ lại vui. Ngờ đâu vạch vẽ trên một vòng tròn.
Buồn nhiều vì thời vì thế, chuyện nước chuyện dân cũng buồn, chuyện nhà cửa im lìm như thường lệ, một trang sách nhăn lòng cũng không yên. Có khi chẳng có cái tuổi nào lại lo nhiều chuyện như tuổi 20. Tương lai cũng lo. Quá khứ càng nghĩ. Hay cười cợt những đứa không biết sống cho tương lai, nhưng hàng ngày tự mình vẫn buồn vì hiện tại đã ra gì đâu mà lo xa. Lại còn hay thích nói câu chữ sâu xa, tuổi này chắc rất hợp làm thơ, cố gắng nhiều cho người ta phải hiểu chữ nghĩa của mình, chứ không muốn nói huỵch toẹt cả mông cả má ra.
Yêu đương tuổi 20 cũng nhập nhoạng như mạng cáp quang mấy ngày hôm nay. Lúc nào cũng trong tình trạng đang chờ. Thích nhưng không muốn nói, muốn yêu nhưng lại sợ đau, cảm nắng nhiều nhưng rồi cũng qua như cơn bệnh thôi. Thần tượng cũng dăm bữa đổi một anh, màn hình điện thoại chưa quen đã lại thay, tại thực ra cũng chỉ vì yêu cái đẹp. Lâu lâu tự hoảng hốt với tình trạng độc thân của mình, tô chút son đậm lên rồi bước ra đường cười nhiều hơn, nhưng tối vẫn trở về nhà một mình và lau mặt rửa môi lại phải chà mạnh hơn, tay không rời cái điện thoại hàng ngày vẫn nhận đều tin nhắn quảng cáo từ Viettel, cả tháng dùng không hết 50k tiền điện thoại, lướt cái newfeed facebook đến thuộc cả thứ tự bảng tin, rồi lại buồn, lại lên insta up cái ảnh so deep cho mọi người biết mình buồn.

Đầu óc trở nên khô khan và thực tế hơn nhiều, dễ bị dao động bởi những hành động nhỏ hơn là một lời nói suông. Cơ mà bắt đầu một điều gì, giữa người với người, người với công việc thì phải giãi bày trước chứ, thế nên hệ thống mối quan hệ của tôi có vẻ không tốt lắm thì phải.

Muốn làm mọi thứ, mà lại chẳng muốn làm gì. Muốn đi du lịch nhưng chẳng có lấy một xu, muốn đi du học nhưng sợ mình không đủ sức, muốn đi làm thêm nhưng sợ ảnh hưởng tới việc học, muốn đi học thêm nhưng cũng lại không có tiền. 20 tuổi, có gì đâu?
20 tuổi cảm thấy cả thế giới chống lại mình, tự bản thân mình cũng chống lại mình. Hay đi so đo với người khác, về nhà ngồi khóc và thấy mình thật đáng thương biết bao, buồn hơn khi mình không tự giúp được gì cho mình. Nên không làm gì khác ngoài kêu ca.
20 tuổi. Cũng buồn nhỉ?

Tri ân

Hoa bưởi 73

Tháng Ba, hoa bưởi và ông.

Trời vào tháng Ba năm nay chưa có cơn nắng. Trời ảm đạm và ẩm thấp. Tôi ở Hà Nội từ đầu mùa, mưa xuân rỉ rả đêm ngày, tôi cứ trực mong một chút ánh vàng hong khô tâm hồn nhỏ.
Trên trục đường Xã Đàn là lần đầu tiên tôi thấy hàng rong bán hoa bưởi. Nho nhỏ, giản dị, không quá bắt mắt, nhưng dễ bắt mảnh tâm hồn ai đi ngang qua, nhất là ai có tuổi thơ giản dị đi qua hàng cây bưởi như tôi. Hương hoa bưởi làm tôi nhớ ông ngoại tôi rất nhiều.
Ngày tôi còn nhỏ, buổi sáng tôi hay cùng ông đi leo núi, bên đường dưới chân núi hoa bưởi nở trắng, tôi sẽ còn nhớ mãi cái thơm thanh thanh mà ngọt ngào quyện thêm hơi sương của buổi sáng man mát, rảo bước trên nền đất ẩm thơm tho. Ông sẽ chỉ cho tôi những bông hoa đã nở, ngắt cho tôi vài bông và dặn về để đầu giường cho thơm. Khi ông hái, sẽ có một chút cánh hoa trắng rơi xuống, bất giác tôi cười thích thôi vì cảm thấy khoảnh khắc ấy xinh đẹp quá (Mặc dù sau này xem mới biết là phim Hàn hay như thế 😊)
Góc kí ức chỉ vọn vẹn như vậy nhưng luôn thơm hương mùi hoa đó.
Tuổi thơ, một chút là hoa bưởi, một chút cũng là ông. Nó giản dị vẻ ngoài nhưng ngọt ngào hương vị của khoảng xuân cuối cùng trong năm. Trời mùa này có lẽ cũng nhẹ nhàng hơn để hoa bưởi thơm, chứ hoa bưởi chẳng hợp với màu nắng. Lất phất mưa bay cho hương bưởi đọng lại lâu hơn, cho cánh hoa thêm nữa màu tinh khôi.
Hoa bưởi, một chút là tuổi thơ, một chút cũng là ông. Là chân phương, là hiền từ, là lan toả từ trong tâm, là dư âm còn mãi. Thanh khiết như hoa, cũng như ông, cũng dịu dàng, cũng tao nhã, mà cũng nao lòng người.

Chúc mừng sinh nhật ông ngoại nhé 🌾
Nhớ ông thật nhiều 😊

Chuyện ngày thường

Người trong cuộc nói gì?

http://kenh14.vn/xa-hoi/nhung-ty-phu-thoi-gian-noi-giang-duong-dh-va-mo-uoc-co-viec-nhan-luong-cao-2016010315031682.chn

Thực ra,không phải thật tình cờ và thật bất ngờ rằng số lượng “tỷ phú thời gian” như báo nói và như mọi người thấy lại quá lớn đến như vậy. Nếu một bộ phận cá nhân như vậy thì còn có thể chê họ sống lỗi đi. Nhưng đây là tình trạng chung của gần như 99,87547849474367% số sinh viên hiện nay rồi.
Bao gồm cả mình luôn, thật lòng là như vậy.
Nhưng khi mà học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 vẫn phải học chương trình 12 môn để trở thành siêu anh hùng cứu trái đất và lên đại học học tiếp 1 tỷ môn để trở thành anh hùng cứu vũ trụ, chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt công việc của một luật sư là gì, văn phòng của một nhà báo trông như thế nào, một ngày của cán bộ ngoại giao phải làm những gì … thì mãi mãi vĩnh viễn sẽ không biết mình sẽ làm công việc như thế nào mà thôi. Ít nhất thì sinh viên hy vọng mình sẽ có một mức lương tốt để mà cố gắng lê lết qua các kì thi, nếu còn không cả hy vọng vào một mức lương thì trường học sẽ sớm bỏ hoang hết.
Chẳng có ai muốn mình như vậy cả, ai cũng muốn có một tương lai rõ ràng. Tuy nhiên, cũng giống như là, không đưa cho biết quả cam nó nhìn như thế nào, rồi bắt tả quả cam, đành phải dùng trí tưởng tượng để mà tả thì thành quả cam màu hồng và hình tam giác, lúc đó lại chê. Thế là cái kiểu gì?

Trường Ngoại giao của mình (nghe nói) mỗi khóa sẽ có một vài lớp sẽ được tận mắt đi hội nghị cùng các thầy cô, được xem các thầy cô dịch trong cabin, thế còn những người không được đi thì sao?

Sẽ chẳng có đứa điên nào mà có đủ động lực để theo đuổi thứ mình cũng chẳng biết nó là cái gì mãi được. Ban đầu xem phim Hàn nhiều thì có được tí cố gắng hơi, ngồi học được vài bữa, lôi hết giấy nhớ ra viết “Mình sẽ làm được” các kiểu các thứ, cơ mà được vài ngày đến lúc nó rơi còn chẳng buồn nhặt cơ.
Phải được nhìn thấy, được sờ vào, được trải nghiệm, được thử một lần, xem cái môi trường làm việc khốc liệt như thế nào, nếu không có việc làm mình sẽ thảm bại như thế nào, ngay từ trên ghế nhà trường thì mới khẩn trương lên được. Bây giờ đang học thì có suy nghĩ, ày mình không làm Ngoại giao thì làm nghề khác, không làm được nghề khác thì làm nghề khác nữa… thì làm sao mà chăm được?
Chứ đến lúc học xong ra trường rồi thất nghiệp theo vòng xoáy tự nhiên của cuộc đời thì muộn lắm lắm rồi.
Cũng là bản thân lười biếng nữa chứ, nhưng không phải môi trường cứ thích nuôi dưỡng cho cái sự lười biếng đó rồi mang ra làm thịt chỉ trích này nọ hay sao.
Xem khơ khớ phim Hàn mình thấy họ làm cái truyền thông về định hướng nghề nghiệp này rất tốt chứ không phải tình cảm sướt mướt không đâu. Làm phóng viên từ khi thực tập phải “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” như thế nào, lương tâm nghề nghiệp ra sao, ca sĩ trước khi ra mắt cũng phải tập luyện như thế nào…
Nói chung là cũng cứ ao ước và cố gắng thôi, chẳng chê trách được. Chỉ là muốn đừng có quy chụp lỗi này là do ai, do sinh viên hết hay do giáo dục hết, lỗi của cả hai, hoặc của chẳng ai cả, vì thế đừng có viết những bài báo như thế này, hoặc viết thì trích thêm một đoạn phỏng vấn bộ trưởng bộ giáo dục xem giáo dục hiện nay của mình ntn mà sinh viên lại ntnay. Hết.

Thôi học bài thật đây ngày mốt thi Vi mô cry emoticon

Tri ân

Tới ông bà ngoại

IMG_2732.JPG

“Nhà văn Louisa May Alcott viết rằng: “Mỗi ngôi nhà cần có một người bà trong đó”. Tại sao vậy? ại sao mỗi khi nhớ về thời ấu thơ, ký ức về ông bà luôn là kí ức êm đềm nhất?

Ông bà có sự thông thái và lòng kiên nhẫn của người đã trải nghiệm. Sự nhẫn nại của người đã đi qua quãng đường dài. Luôn có một đoạn đường mà bố mẹ chúng ta chưa đi qua. Và ông bà ở đó để yêu thương, nuông chiều chúng ta, với một tình yêu vô điều kiện.”

Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân

 

Đọc phần truyện này, con thật nhớ ông bà ngoại của mình.

 

Luôn là bà, chia đều tình yêu cho đàn cháu, dù bé, dù lớn, và dù đi xa.

Nhìn vào lọ muối vừng đã vơi phần nhiều, luôn nghĩ đến bà, chứ chẳng phải mẹ, rằng phải nhắn bà gửi thêm cho đầy lọ muối lạc này mới được, cũng như lấp đầy khoảng vơi nỗi nhớ này trong con nhé, một nỗi nhớ thơm thơm, bùi bùi, như nhớ tình yêu của bà. Các bạn đi học xa hay nhớ cơm nhà, nhưng con chỉ nhớ những thứ quà bánh của bà thôi, mùa nào thức đấy. Trong cái cuộc sống chạy vội chạy vàng, các thứ dịch vụ sẵn sàng với các thức quà bánh ngon và đẹp, thì thời gian chạy đến cửa nhà bà và ngưng ở đó. Khi đến mùa bánh gai chẳng hạn, các thứ bột đen và trắng tròn xoe trên mâm được nặn từ các bàn tay lem nhem đủ kích cỡ nặn theo công thức bí mật của bà. Bánh gai, bánh rợm, bánh gio, bánh ngải, khẩu si, rượu nếp, bánh mảy nhừng, bánh cóoc, dưa muối, muối vừng và thượng hạng trên hết là bánh chưng ma de in bà ngoại. Không thể thay thế được. Cả hương vị của từng thức bánh và cái không khi nhao vào nặn, vào gói, vào nói, vào cười, xôm tụ, thỉnh thoảng thêm chút mắm bằng vài câu quát của bà, rằng là làm nhiều thứ quá, vất vả quá, năm sau bà không làm nữa, đi mua thôi. Nhưng năm nào bà cũng nói thế, tay vẫn tự gói, tự nặn bánh.

 

Đời bà khổ, kể không hết được, cái gì cũng phải biết, cũng phải làm, nên mới biết làm nhiều thứ bánh thế. Nhưng đã qua rồi mà phải không bà, giống như cái vất vả làm ra một cái bánh, rồi cũng gói nó lại, luộc lên và ăn thôi, rồi nó sẽ tiêu biến đi, chỉ còn lại ký ức với đầy đủ sắc thơm, hiện lên qua mỗi mùa bánh mà thôi.

Bữa cơm nhà, mỗi người một tính, mỗi người thích một món, lắm lúc chẳng có món gì mình thấy ngon. Nhưng sang bà ăn cơm mà xem, lúc nào cũng có một món yêu thích của mình nhé, dù có là món gì đi nữa, đơn giản hay cầu kì, dễ làm hay nhiều công đoạn. Bà hay sợ không đủ ăn, hay sợ không thích ăn, hay sợ không có món gì ăn (nhưng thực ra đã có gần chục món). Bà hay quát, hay to tiếng, nhưng đều là vì bà lo làm không tốt, không ngon, làm không đúng, bà muốn làm theo cách của bà. Cũng là vì lo bởi vì thương, vì sợ các con vất vả hơn một chút, vì yêu. Bà cứ lo như vậy, mãi cả cuộc đời bà.

 

Ông ngoại là thành phần duy nhất miễn dịch với các âm thanh ở mức đại của bà. Ông bình yên, luôn cười, vì ông bảo cười lên sẽ hết khổ. Ông chỉ thiếu mỗi vào trong núi ở ẩn, chứ không ông sống như thánh nhân ngày xưa. Một ngày đi qua không thể không viết một chút, không chăn chim một chút, không chăm chút cây lá. Nhưng mà thánh nhân này sống ở thời hiện đại nên sành điệu hơn một chút, phải đọc báo mạng và lên facebook thăm thú và nắm bắt tình hình trong nước và thế giới một chút. Nhưng thánh nhân ngày xưa chỉ học giỏi thôi, còn lại các kĩ năng khác hầu như không nắm bắt được. Còn ông ngoại là thánh nhân … vạn năng. Trước khi là ông ngoại, ông là học sinh đạt giải quốc gia môn Văn, cũng là nông dân, là kỹ sư nông nghiệp, là lãnh đạo, là người bán giống cây trồng. Là ông ngoại rồi, ông là thầy giáo của con ngày còn bé, kiêm luôn thợ mài dao, thỉnh thoảng là thợ mộc, đôi lúc là thợ sửa xe, phần nhiều là người làm việc nhà, cũng hay khâu vá cặp và túi sách hoặc giày. Ngày con còn bé ông còn là thợ ảnh nữa, giờ thôi rồi.

 

Bà hay nói ở trong nhà, ông hay nói ở ngoài nhà, hoặc ông cũng hay ở trong nhà nói về những thứ ở ngoài nhà. Bà hay nói những điều đã được nghe rồi (nhưng chưa biết làm) nhưng ông hay nói những điều chưa nghe thấy bao giờ. Ông là ông ngoại rồi, rất gần gũi, thân thương rồi, nhưng nhiều lúc nói chuyện với ông sẽ cảm thấy hơi căng thẳng, như nói chuyện với sếp vậy, như khi nói về cái gì đó mình chưa chắc lắm, cảm thấy nhỡ nói sai thì ông sẽ hơi thất vọng về mình một chút vì những cái đó đáng lẽ ra phải biết chứ, nhưng cũng sẽ hơi oai một tý đấy, khi hướng dẫn ông dùng mấy đồ công nghệ cao, lúc đó mình lại thành sếp của ông.

 

Ngày còn bé nghĩ là ông nắm giữ đáp án của mọi câu hỏi tại sao, nên bên cạnh ông cảm thấy rất yên tâm, chỉ chờ mình lớn lên chút nữa thôi, mình sẽ học từ ông hết mọi thứ. Cảm thấy có ông, con không bao giờ đi một mình. Làm một bài văn cũng nghĩ, à chắc ông sẽ thích bài văn này đấy, làm một bài thơ cũng nghĩ à ông chắc sẽ thích bài này của mình như thế. Khi lớn rồi, đọc một quyển sách, sẽ nghĩ à chắc ông cũng thích đọc quyển này đấy, phải mang về cho ông đọc mới được. Tham gia vào hoạt động gì cũng nghĩ, à chắc ông sẽ thích mình tham gia cái này đấy, về phải khoe ông mới được. Học thêm cái gì cũng nghĩ, à chắc ông sẽ thích mình học cái này đấy, về phải cho ông xem mới được.

 

Con còn trẻ, nhưng con chưa làm gì mà không nghĩ đến những người thân trong gia định, nhất là ông bà. Vì thế con muốn ông bà hãy luôn tin con, rằng con sẽ luôn làm những điều đúng với đạo đức, với lương tâm con, xứng đáng với niềm tin và sự ủng hộ của ông bà. Trước đây con hay hứa sẽ làm những điều lớn lao, nhưng bây giờ con đổi ý rồi, con sẽ làm những điều hay lẽ phải trước đã. Con sẽ cố gắng đảm đang chu đáo như bà, con sẽ thương người già và yêu trẻ nhỏ như ông, luôn cười và kể chuyện cười.

 

Ông bà đừng ốm nhé. Con rất buồn, rất thương ông bà. Cả cuộc đời ông bà đã phải chịu khổ nhiều rồi, giờ còn ốm nữa thì con phải làm sao? Con chưa sẵn sàng cho việc ông bà hay ghé thăm bệnh viện như thế đâu. Chỗ của ông bà là ở ngôi nhà gần Ngã sáu đó, cười rạng rỡ mỗi lần con từ Hà Nội về. Còn rất nhiều nơi xa hơn Hà Nội nữa đang đợi con, con sẽ đến đó, rồi quay về, sẽ luôn có ông bà ở đó, lắng nghe những câu chuyện con mang từ xa về, sẽ luôn yêu thương con, chiều chuộng con, cho con ăn những gì con thích, ủng hộ những gì con làm. Con sẽ luôn đưa bà đi chợ, sẽ luôn sửa máy tính cho ông, giải quyết các vấn đề kỹ thuật công nghệ cao. Dù con có đi xa đến đâu, con cũng sẽ quay về làm những việc đó. Việc của ông bà là cứ ở nhà, chờ con. Và khỏe mạnh.

“Thế hệ của ông bà cũng như cái rễ cây vậy. Bạn không nhìn thấy rễ cây nhưng bạn biết rằng rễ luôn hiện hữu ở đó, là nguồn gốc của nhựa sống, là nơi khởi đầu của những chiếc lá non.”

 

Năm mới con chúc ông bà sức khỏe.

 

Con Xíu.

 

Chuyện ngày thường

Rằm tháng Giêng 2015

Mình chẳng nhớ là hôm nay là Rằm nữa cho đến khi các bạn chẻ up ảnh check in “ăn Rằm” với đủ thứ đồ ăn nhanh nơi Thủ đô đất khách quê người, xa bố mẹ, xa mâm cơm Rằm gia đình.

Đói. Từ khi sau Tết xuống trường, chẳng có bữa nào mình ăn tử tế cả. Mẹ mà biết mẹ sẽ gào ầm ỹ lên cho xem. Cái kiểu ăn uống của mình mẹ lúc nào cũng càm ràm. Mẹ biết thừa xa nhà một cái là chẳng thèm ăn cơm, thế nên gửi gắm bạn bè là “Xuống dưới đấy phải bảo nhau ăn uống”. WTF? -_- Mẹ mình lo mỗi thế trong khi các mẹ khác quen với câu “Xuống dưới đấy phải bảo nhau học hành” hơn.

Mình nghĩ là mình muốn ăn cơm gà. Đầu đang nghĩ xem có nên đi không, vì ngoài kia trời mưa, mưa bụi, cái thứ mưa mà mình ghét nhất. Nó kéo tâm trạng con người ta lê lết xuống mặt đường nhầy nhụa sình lầy, mọi thứ bê bết bẩn thỉu, âm ẩm. Haizz, và tạo điều kiện cho nơ ron thần kinh của một đứa nghĩ nhiều hoạt động hết công suất.

Thế cơ mà thấy nặng lòng quá. Người cứ ỳ từ hôm qua. Cũng xách cả cái áo mưa phóng đi luôn. Ra hít mấy hạt bụi mưa.

Trời mưa mà, nên cả quán ăn có mỗi mình mình. Vẫn ngồi cái bàn yêu thích. Chẳng hiểu sao việc đó làm mình tự nghĩ mình có dáng dấp của một đứa sống quá nội tâm, nhu mì và ít nói. Còn sự thật thì không phải vậy.

Với một cái bụng đói thì nghĩ đến món cơm gà.

Với một cái bụng no thì nghĩ đến cái điệu bộ lủi thủi đi ăn  một mình bất chấp mưa gió của mình, chợt thèm một tấm lưng rộng và ấm.

Một đứa độc lập như mình không cho phép bản thân dựa dẫm vào một người con trai nào quá. Đơn giản là làm những gì mình thích, MÌNH thích, người yêu có thích không mình chẳng cần biết. Ngang ngạnh và ương bướng.

Nhưng những lúc như thế này, chẳng biết là bản lĩnh, hay là cô độc nữa.

Mưa bụi Hà Nội, Tết Nguyên Tiêu 2015.

Mai Thu.

Nhớ anh rất nhiều, rất rất nhiều.

Chuyện ngày thường

Tết Ất Mùi 2015 – Tết trưởng thành

Tết âm lịch.

Cũng chẳng biết bao giờ thì chính thức bắt đầu và khi nào thì kết thúc.

Đó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm giác của mỗi người, mình cảm thấy nó đến rồi từ hai mấy Tết hay mùng 1, mùng 2 đã thấy hết Tết rồi thì cũng chả ai làm gì được mình, vì thế, đối với tôi, Tết rất đặc biệt. Mọi người mong Tết vì một lí do cụ thể, hữu hình, hoặc chẳng mong, nhưng đối với tôi, đến giờ phút này, và có lẽ, cho cái có lẽ nó hơi to một chút đi, có lẽ là tôi sẽ mong Tết mãi trong những năm về sau này, kể cả có bị đe sống đe chết là khi lớn lên, bị cơm áo gạo tiền đè suốt cả một năm, thì tôi sẽ không thể trẻ trâu mong Tết đến như vậy nữa.

Có rất rất nhiều cảm giác đặc biệt trong tôi mỗi khi Tết về. Những cảm giác mà mỗi lần nó dâng lên trong lòng là chỉ muốn đạt tuyệt đỉnh công phu kĩ năng sử dụng ngôn ngữ để miêu tả, để giữ lại, khi nào cần thì mang ra đọc lại để lấy lại y nguyên cái rung động của lục phủ ngũ tạng trộn lại ấy. Nhưng đọc hết câu là đã biết không thể rồi đấy 😥
Một trong những cảm giác đó, thứ mà hôm nay tôi, dù sự thật ở dòng trên, vẫn bất chấp viết về, để cho thấy sự trưởng thành của tôi, đó là tinh thần trách nhiệm với đấng sinh thành.

Để tôi kể bạn nghe, bao năm qua Tết của tôi như thế nào.

               1. Việc đầu tiên là lo cho cái tủ quần áo của mình trước đã: Lôi hết tất cả đống quần áo trong tủ ra gấp lại hết, phân loại, áo chồng lên áo, quần chồng lên quần, chip là chip, tất là tất, ranh giới khu vực rõ ràng. Mình rất thích rõ ràng. Nhìn đâu là biết đó ngay. Áyyy. Xong là cũng lên danh sách hết và đòi tài trợ cho bằng được hết những thứ phục vụ cho phong cách diện Tết của bản thân. Mình có một cái thói quen là sau khi tắm Tất niên là phải mặc đồ mới 100% từ trong ra ngoài, phải cắt mác từ trước khi đi tắm thôi. Mọi năm đều thế. Nó đem lại cái cảm giác sạch sẽ đến vô cùng, như là không còn vương vấn bụi trần gì, chuẩn bị đắc đạo ấy.

             2. Dọn dẹp phòng ốc thì hẳn rồi, nhưng còn một cái thú dọn dẹp nữa là dọn máy tính và điện thoại. Mọi dữ liệu phải được phân loại (lại là phân loại) và cho vào đúng file của nó, không có kiểu trong file nhạc lại có ảnh, và trong file ảnh đứa này lại có ảnh đứa kia đâu. Thế nên trong năm lúc nào lười tạo đại một cái file New Folder rồi cop tả phế lù vào là đến Tết sát đít là đít cũng sát ghế để bàn máy tính mà ngồi lọc, không thì trong người nó ngứa ngáy, áy náy, khó chịu. Chuyện tương tự xảy ra với điện thoại. Sẽ cóp hếtttt dữ liệu trong điện thoại ra cho vào máy tính với sự phân loại đã nói ở trên.

              3. Dọn nhà. Vất vả lắm, mệt nhọc lắm, chạy lên chạy xuống, chuyển bao nhiêu bài nhạc (ps.loa để trên tầng chót) mới lau xong được cái cầu thang. Mà ai cũng biết cái cảm giác làm việc không phải việc của mình nó ỳ đến mức nào. Rồi các kiểu hoa lá cành xoắn xuýt cũng mới xong các thứ cần phải dọn dẹp đc giao. Nhưng k thấy chán vì hầu như toàn bỏ giữa chừng và cô tiên mẹ sẽ giúp hoàn thành. Hí

              4. Công việc yêu thích. Trừ các công việc ở số 3 ra, có 2 việc cực kì yêu thích của mình đó là trang trí cây đào và bày khay bánh kẹo. Tuyệt vời. Luôn luôn đem lại cảm giác rất Tết

             5.. Còn lại thì một vài việc cơ bản khác bạn nào cũng sẽ phải làm.

Đây nhé còn Tết năm nay.

            1. Bùng buổi học cuối về nhà từ 25 Tết. Dì mình có một cửa hàng bán đồ lưu niệm, à không, một cửa hàng tả phế lù, vì ngoài đồ lưu niệm ra còn hoa hoét, may vá, và làm sô cô la, tất cả đều handmade.  Xem lịch mà xem đúng hôm đấy là sít sìn sịt Valentine, nhà lại mùa làm ăn đúng độ thiếu người. Mình về cắm mặt ở cửa hàng đúng hai hôm, đứng lên ngồi xuống (thực ra toàn đứng) để làm sô cô la phục vụ nhu cầu của các bạn trẻ (trâu) và lũ có gấu. Chân và lưng tách hẳn ra khỏi cơ thể của mình (không chém). Chưa dọn dẹp cho Tết được gì.

Hôm sau về quê thanh minh, vẫn là chưa dọn dẹp cho Tết được gì.

Hôm sau nữa, chiến dịch dọn dẹp bắt đầu. Bỗng dưng ấp ủ trong lòng một cảm giác là lạ. Nhìn từ tầng 3 xuống tầng 1, thấy nhà mình cũng to to, và nghĩ là mẹ mình vất vả thật đấy. Thế là chả hiểu sao và không thể giải thích được, cầm chổi cầm lau lao động hăng say, lau hết cả bàn ghế tủ gương, thoăn thoắt và không thấy mệt gì cả, cũng hoàn toàn không ỳ. Lạ chưa kìa. À thực ra cũng không lạ lắm, vì trong đầu văng vẳng lại hết những lời mẹ nói : “Từ lúc hai đứa còn bé, mẹ tự làm được hết, chẳng cần ai giúp”. Sau khi hơi hơi thấm mệt (về mặt thể chất, tinh thần thì vẫn rất hăng hái) thì điểm lại mình mới làm được một tí tí việc, thế còn mẹ? Còn cả bàn thờ bát hương, bếp núc, đồ ăn đồ uống, đồ dùng,…. Đôi lúc mình nghĩ Tết  là một cuộc chạy đua của người dân với các cửa hàng tạp hóa. Vì mẹ mình luôn luôn phải mua đủ đồ trước khi người ta đóng cửa hàng. Rồi sẽ đến mình, rồi sẽ phải thế, nghĩ thôi mà cũng thấy chân nhũn ra rồi.

Tiểu kết 1. Mình tự giác dọn dẹp nhà của mình, từ các khe ngóc ngách luôn, không chẩy bửa bỏ qua tiểu tiết như hồi còn trẻ nữa.

                   2. Bà ngoại mình là bà ngoại xịn. Tức là 100% ngoại, tức là thêm phát nữa là có toàn con gái. Năm nay ông bà ăn Tết hai mình vì tất cả đã xuất giá tòng phu. Hôm ăn cơm Tất niên (ăn hôm 29) ở nhà bà có đông đủ mọi người, bà bảo hôm nay có đầy đủ thế này nhưng mai là mình bà khác dọn nhà rồi. Những cảm xúc mình có được ngay lúc đó diễn ra y như câu chuyện ở trên, nhưng cảm thấy bà ngoại vất vả hơn 6 lần mẹ (vì bà có 6 cô con gái). Chẳng chần chừ xung phong mai cháu sang dọn nhà cho bà luôn. Cả ngày bà chỉ loanh quanh dọn dẹp bàn thờ, mình chạy hết công suất cọ các kiểu nhà vệ sinh, lau cầu thang của một cái nhà ba tầng lần nữa, thịt gà, các kiểu các thể loại. Bình thường là làm xong cái gì thì ngồi chờ bà sai việc tiếp rồi, nhưng hôm nay cái tay dưa chổi đưa ki đến đâu thấy góc kia bẩn chỗ kia đen là tự giác luôn. Lớn thế chứ :3 Kết quả là cả ngày 30 cắm mặt bên nhà bà ngoại, về đến nhà thấy 2 việc yêu thích kể ở mục số 4 vẫn còn nguyên chờ mình về làm (mà mình tưởng là thằng em nó bé sẽ thích làm 2 việc đó hộ mình). 11h đêm đi trang trí cây đào và chưa bao giờ mang một tâm trạng như thế, cảm thấy phiền phức và chửi rủa đứa nào nghĩ ra cái chuyện trang trí cây đào. Tiếp nữa, mục 1,2 và 3 ở phần Tết trước hoàn toàn không được nhắc đến, tức là mình không còn thấy ngứa ngáy nữa khi không mặc đồ 100% mới cắt mác đêm tất niên, và máy tính vẫn nguyên file New Folder, điện thoại vẫn một đống như mọi ngày. Đấy chưa. Mình đã thay đổi.

Tiểu kết 2. Nhiều lúc mình cũng không điều khiển được cảm xúc của mình, lúc muốn thì nó không đến để có động lực mà làm việc. Nhưng mà đợt vừa rồi hành hạ thân xác kéo dài, ý chí vẫn rất vững vàng nghĩ đến bà và mẹ, hai người phụ nữ tuyệt vời nhất cuộc đời của mình. Mình nghĩ đã bắt đầu nắm bắt được cảm xúc và điều khiển nó bằng suy nghĩ, cũng chính là đã lớn thêm một bước rồi 🙂

Tết của trẻ trâu và của người lớn thực sự rất khác nhau :3

Mình kết thúc bài viết vào 1:44 sáng ngày mùng một xuân Ất Mùi. Chúc những ai đọc được tới đây một năm trưởng thành hơn!

Uncategorized

Em

Mẹ em mất khi em vừa hết tuổi thiếu nhi, bước chân vào một quãng mới của tuổi trẻ, với đôi mắt em sáng và trong.

Cuộc sống ở trong lũy tre làng nơi vùng đất nghèo không cho bố em được dành nhiều thời gian ở nhà chăm sóc em và chị gái, bố em vắng nhà luôn vì phải làm công việc của một lái xe.

Em chuyển ra thành phố, ở với gia đình chị –  nhà bác ruột của em.

Em gầy và đen nhẻm, đúng nước da rãi nắng của những cậu bé vùng nông thôn, tóc cháy vàng. Nhìn em bé nhỏ, tội nghiệp. Em ít nói. Đôi lúc em cười thẹn, mắt em sáng và lanh lợi. Nhưng đôi mắt một mí ấy bao lần chị bắt gặp vẫn ánh lên buồn thẳm…

Từ giờ em sống trong một môi trường mới. Em phải làm quen dần với không khí chật hẹp, xô bồ không có những thửa ruộng trải rộng cho em chạy dài, không có dòng suối mát trong ngày hè em cùng đám bạn vùng vẫy. Nơi này phồn hoa hơn, đèn điện từ nhà ra ngõ sáng chói, xe cộ đi lại tấp nập và nhanh chóng nhưng không có vườn quả giống như vườn nhà em hái, em còn phải trả tiền nếu muốn đi bơi.

Đôi vai mảnh khảnh ấy, bắt đầu những ngày học cấp 2 ở thành phố, nơi em sẽ có sự giáo dục từ các thầy cô giáo tốt nhất, nhưng nhiều trò chơi của những thói hư tật xấu cám dỗ, sẽ có những người bạn xấu không đối xử tốt với em vì em không phải con nhà giàu.

Người ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng người ta quyết định mình sẽ sống như thế nào. Chị vẫn tin tưởng vào ánh mắt sáng thông minh ấy sẽ nhìn thấy những điều lớn lao.

Sẽ khó để nói những điều này với em. Nhưng chị luôn mong chị có thể là một chỗ dựa tinh thần của em trong những ngày đang lớn. Khi trải qua những khó khăn của tuổi không trẻ con không người lớn, chị mong em hãy mở lòng mình ra, sẻ chia nếu như có điều gì làm em bận lòng. Chị và cả gia đình luôn muốn em khôn lớn, thành người, giống như những gì bố mẹ em mong.

Tri ân

Gửi D2 khóa 24 Trường THPT chuyên CVA

Các bạn nhỏ 11D2 thương yêu.
Chỉ còn ngày mai và ngày kia nữa là chị bị trục xuất khỏi trường, chị muốn có đôi lời thú nhận tình cảm và dặn dò các bạn .
Chị thì không biết hết cả lớp, nhưng chị biết, 11D2 toàn là những secret weapons của các thầy cô :3 Tài giỏi, năng nổ và quan trọng là rất rất đoàn kết. Các bạn nhỏ rất đáng yêu, với các anh chị rất lễ phép (Nhưng thỉnh thoảng vẫn trêu mình 😥 )
Chị viết riêng cho 11D2 vì chị rất yêu quý các bạn. Các bạn là D2 thế hệ ngay sau khóa chị, là lớp D2 chuyên Anh cuối cùng, là những người tiếp nhận và làm bùng cháy hơn nữa ngọn lửa truyền thống D2. Nhìn thấy các bạn cháy trên sân khấu hay các bạn đã ôn Đội Tuyển, chị rất tự hào. Chưa bao giờ là máu mủ ruột rà nhưng như là có điều gì đó gắn kết, làm chị cảm thấy tiếng cười của các bạn cũng là niềm vui của chị.
Hôm nay, nhìn một lượt các gương mặt rạng rỡ thân quen trong hình trái tim khổng lồ ấy, rất yêu thương, rất cảm động. Cảm ơn các bạn nhỏ từ những mẩu note với những lời chúc ý nghĩa, những que kẹo mút xinh xinh đến tình cảm của các bạn dành riêng cho chị, cho các anh chị 12D2 và toàn thể K23 
Chị tin tưởng là 12D2 K24 sẽ rực rỡ nhất, sẽ có những thành viên bước lên bục nhận những giải thưởng cao nhất, sẽ cất cao tiếng hát, bước nhảy, sẽ là những gương mặt sáng nhất K24, sẽ cống hiến hết mình cho một năm học, một năm truyền thống và một năm tình cảm nữa cho mái trường thân yêu.
D2 trong tôi luôn là nhất quả đất ❤